Nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, ngày 10/5/2023, tại Hội trường B cơ sở 280 An Dương Vương, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Đến tham dự Hội thảo có đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng; Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài; Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Vũ Thị Tú Anh cùng gần 200 cán bộ quản lý là lãnh đạo 63 sở GD-ĐT tỉnh, thành phố, lãnh đạo các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm trên cả nước đã tham gia.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh về tầm quan trọng, quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với chất lượng giáo dục. Thứ trưởng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế chính sách, điều kiện thực hiện, công tác chuyên môn trước mắt và lâu dài trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, thực chất.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị các đại biểu cùng trao đổi thẳng thắn, cởi mở nhằm làm rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp về công tác tuyển sinh đáp ứng yêu cầu đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; những khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Hai phiên làm việc của hội thảo về công tác đào tạo và công tác bồi dưỡng giáo viên đã ghi nhận nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông và 63 Sở GD&ĐT Tỉnh/Thành phố.
Từ thực tiễn triển khai, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh hai giải pháp: Tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và cải thiện cơ sở vật chất; Cải tiến chương trình đào tạo và cải tiến công tác tổ chức đào tạo. “Với những kinh nghiệm và động thái cụ thể; kết quả triển khai công tác đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018 khẳng định hướng đi của trường với các giải pháp đã nêu là khả thi và triển vọng”.
Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT như Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội… đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp hữu hiệu và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định hai công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên gắn bó chặt chẽ và đều cần hướng tới nâng cao phẩm chất và năng lực. Đây là trách nhiệm chung của các chủ thể bao gồm Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo, cơ quan sử dụng giáo viên.
Để phát huy hiệu quả của hội thảo, Thứ trưởng yêu cầu Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì tổng hợp những đề xuất kiến nghị của hội thảo theo từng nhóm vấn đề, giúp cho công tác quản lý, điều hành và tham mưu của Bộ GD&ĐT. Các đơn vị khác của Bộ theo chức năng nhiệm vụ cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra các công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.