Sáng ngày 09/12/2022, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUE) đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội.
Chương trình vinh dự được chào đón sự hiện diện của đoàn đại biểu Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội: GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu Trưởng; PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng; TS. Nguyễn Bá Ngọc, Trưởng Phòng Đào tạo và TS. Đoàn Nguyệt Linh, Phó Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác phát triển.
Về phía Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham gia của GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng; ThS. Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng Đào tạo; ThS. Đỗ Nam Thanh, Phó Trưởng Phòng Sau Đại học; TS. Lâm Thanh Minh, Q. Trưởng Phòng Công tác chính trị và Học sinh sinh viên; ThS. Huỳnh Trung Phong, Q. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp; TS. Nguyễn Đức Danh, Trưởng khoa Khoa học Giáo dục.
Trong bài phát biểu chào mừng, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ trong khoảng thời gian gần đây giữa trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Giáo dục đã có nhiều hợp tác sơ khai ban đầu như Trường Trung học Thực hành được hỗ trợ nghiên cứu mô hình trường chất lượng cao, trường tiên tiến, là một mô hình đáng quý được phát triển tại Trường Đại học Giáo dục. GS.TS. Huỳnh Văn Sơn cũng chia sẻ kỳ vọng sự hợp tác giữa hai trường không chỉ dừng lại ở việc ký kết mà mong muốn giữa hai trường sẽ có những học phần chung tương đương nhau để sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Giáo dục có thể trao đổi tham gia học tập tại đơn vị. Hiệu trưởng cũng đề nghị các đơn vị phòng chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị của Trường Đại học Giáo dục để triển khai các nội dung hợp tác giữa hai Nhà trường.
Chia sẻ quan điểm về mối quan hệ hợp tác này, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu Trưởng Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo. GS.TS. Nguyễn Quý Thanh đánh giá rất cao những thế mạnh mà Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đang có, đó là cơ sở để hai bên cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động chuyên môn khác một cách toàn diện, hiệu quả.
Tại buổi lễ, hai đơn vị đã thống nhất thỏa thuận hợp tác trên nhiều nội dung quan trọng: Hợp tác trong hoạt động trao đổi sinh viên, học viên. giảng viên; Cùng học các học phần và xem xét công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức, kỹ năng đã tích lũy của người học; Các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo như: tham gia xây dựng mới, điều chỉnh, thẩm định chương trình; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ quản lý; Các hoạt động nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm quản trị Nhà trường; Quảng bá hình ảnh của mỗi bên; Tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến các sinh viên và học viên; Giới thiệu các đối tác nước ngoài để thúc đẩy hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Hợp tác cùng tham gia các dự án quốc tế; Cùng nhau thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội; Các hoạt động hợp tác khác phù hợp với nhu cầu, khả năng của cả hai bên.
Sau đó, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn đại diện Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, đại diện Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã đại diện hai trường ký biên bản ghi nhớ hợp tác chung. Thỏa thuận này mở ra cơ hội quý giá để cả hai trường đại học tiếp tục học hỏi và giúp đỡ lẫn nhau, tạo dựng mối liên kết chặt chẽ đồng thời xác định thêm những lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai.
Cuối buổi lễ, trong không khí đầm ấm và thân thiết, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn đại diện Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, đại diện Trường Đại học Giáo dục trao cho nhau những món quà đầy ý nghĩa.
Buổi lễ ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã diễn ra thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác song phương nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên vì sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.