Trải qua gần 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng và đạt được nhiều thành tựu hợp tác nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản là đối tác số 1 về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), số 3 về đầu tư, số 3 về du lịch, số 4 về thương mại của Việt Nam và là nơi cộng đồng hơn 450.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc.
Ngày 27/10/2022, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được đón tiếp Ngài Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản; Ngài Shiraishi Hideyuki, Lãnh sự, Trưởng Ban Văn hóa Giáo dục; và bà Nguyễn Thị Bảo Uyên, Trợ lý Ban Văn hóa Giáo dục đến thăm và làm việc với Trường. Đón tiếp đoàn có GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng; TS. Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Phạm Nguyễn Thành Vinh, Quyền Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế; ThS. Huỳnh Trung Phong, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp; TS. Cao Lê Dung Chi, Trưởng Khoa tiếng Nhật và Cô Lê Thị Hồng Nga, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Giao lưu văn hóa Việt - Nhật.
Vui mừng đón tiếp đoàn Tổng Lãnh sự Nhật Bản, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản vì đã luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Nhà trường, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cấp học bổng cho giảng viên và sinh viên Trường. GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ Trường hiện đang hợp tác với Trường Đại học Osaka Kyoiku để thực hiện dự án “Phát triển giáo dục STEAM tại Việt Nam bằng phương pháp dạy học tích cực” do JICA tài trợ từ năm 2022 đến năm 2025. Nhà Trường cũng đã tổ chức tọa đàm để thiết lập định hướng phát triển sâu và rộng hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác tại Nhật Bản và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển Trường với 6 cơ sở và 2 phân hiệu mới tại Gia Lai, Long An. Việc kết nối các cựu lưu học sinh từ Nhật Bản tại Trường cũng được quan tâm đặc biệt để khai thác tối đa tiềm năng phát triển.
Ngài Watanabe Nobuhiro, Tổng Lãnh sự Nhật Bản cảm ơn sự đón tiếp trang trọng, chu đáo từ phía Nhà Trường và đánh giá rất cao vai trò của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến giảng dạy tiếng Nhật, từ đó lan tỏa được việc học tiếng Nhật đến nhiều đối tượng khác nhau. Tổng Lãnh sự Nhật Bản cũng chia sẻ thông tin từ buổi gặp gỡ các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19, hiện nay số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với Việt Nam ngày càng nhiều và hiệu quả. Vì vậy, trong tương lai quan hệ hai nước sẽ ngày càng tươi sáng hơn, đặc biệt việc trao đổi các sinh viên chính là một cầu nối quan trọng. Ngài Watanabe Nobuhiro rất trân trọng những trao đổi thẳng thắn của GS.TS. Huỳnh Văn Sơn liên quan đến định hướng phát triển, cũng như mong mỏi của nhà trường, từ đó, Tổng Lãnh sự sẽ xem xét thật kỹ lưỡng từng chủ đề để có những hỗ trợ tốt nhất.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trường, đoàn đại biểu Tổng Lãnh sự Nhật Bản đã tham quan Trường và có chương trình gặp gỡ các bạn sinh viên khoa tiếng Nhật trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong buổi gặp gỡ, Tổng lãnh sự cám ơn các bạn đã lựa chọn tiếng Nhật như là ngôn ngữ thứ hai của mình, từ đó có nhiều cơ hội để hiểu sâu về đất nước, con người, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của Nhật Bản. Ngài Tổng lãnh sự mong muốn được đón tiếp các bạn sinh viên tại Nhật Bản và hy vọng các bạn sinh viên quan tâm theo dõi thông tin về sự kiện, học bổng được thông báo bởi Tổng lãnh sự quán.
Cuối buổi làm việc, GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Ngài Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản, đại diện cho 02 đơn vị trao quà lưu niệm đánh dấu cột mốc đáng nhớ cho sự hợp tác trong thời gian sắp tới. Hy vọng trong thời gian sắp tới, Ngài Tổng Lãnh sự Nhật Bản tiếp tục đồng hành, hợp tác và hỗ trợ Nhà trường trong việc thực hiện những dự án nghiên cứu về giáo dục nhằm phục vụ những cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt ở khu vực phía Nam; hỗ trợ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng làm việc tốt trong cả môi trường học thuật lẫn doanh nghiệp, thậm chí có thể vươn ra thị trường lao động quốc tế, trước mắt là trong khu vực ASEAN.